Chăm sóc lúa ở giai đoạn đòng trổ là yếu tố quan trọng để đạt năng suất cao |
Khi bước vào thời kỳ đòng trổ bà con cần chăm sóc thật tốt sức khỏe của cây và giữ vững bộ lá đòng để quá trình quang hợp tạo tinh bột được diễn ra thuận lợi, bền và liên tục. Bên cạnh đó, tại thời kỳ quan trọng này bà con cần lưu ý đến một vài đối tượng tấn công trực tiếp làm lúa suy kiệt và ảnh hưởng đến lá đòng cũng như chất lượng hạt.
Theo PGS. TS Phạm Văn Kim (Nguyên Khoa Sinh học Ứng dụng ĐHCT), bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá sẽ sinh sôi và phát triển trong mạch nhựa của cây lúa và xâm nhập qua 2 con đường: khí khổng và vết thương. Do vậy, thời tiết mưa nắng thất thường như gần đây cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi để cháy bìa lá phát triển. Bệnh nặng sẽ làm cho lá bị cháy khô hoàn toàn, do đó nếu cháy bìa lá tấn công sớm mà bà con không phòng trị kịp thời thì năng suất sẽ suy giảm đáng kể.
Cũng là một đối tượng thường xuyên gây hại lá lúa nhưng nó còn có khả năng lan truyền đến nhiều bộ phận khác của cây như: cổ bông, nhánh gié và cuống hạt, đó là bệnh đạo ôn. Có lẽ, nếu ai đã và đang gắn bó với nghề nông thì đều biết đến bệnh đạo ôn vì bệnh biểu hiện phổ biến cũng như dễ dàng nhận thấy, điển hình là trên lá và cổ bông. Bệnh tấn công trên lá sẽ bắt đầu biểu hiện thành những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt, rồi lớn dần có hình thoi, nhọn ở 2 đầu với phần giữa rộng và có màu xám tro, xung quanh nâu đậm, phần tiếp giáp với mô khỏe có màu nâu nhạt. Khi bệnh nặng, lúa có thể bị cháy rụi hoàn toàn và không có khả năng hồi phục. Với cổ bông, vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen tại đoạn cổ giáp với tai lá và lớn dần về sau làm cổ bông khô héo, đồng nghĩa với việc quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng từ lá vào hạt bị gián đoạn, bông lúa bị lép lửng.
Một bệnh hại khác tấn công trực diện vào hạt lúa làm giảm trọng lượng và cả chất lượng mà nhà nông nào cũng phải đau đầu khi gặp phải, đó là lem lép hạt. Trong số những tác nhân gây bệnh thì lem lép do nấm là rất phổ biến. Bệnh khiến lúa suy yếu, hạt mất phẩm chất, giảm năng suất và khiến thương lái cũng không mặn mà khi thu mua.
Sau hàng loạt bệnh hại thì một đối tượng côn trùng luôn là chủ đề được chú ý trong canh tác là rầy nâu. Rầy nâu có thể tấn công cây lúa ở nhiều giai đoạn khác nhau bằng cách chích hút làm lúa suy kiệt, tại những nơi rầy gây hại còn tạo môi trường tối hảo để nấm khuẩn cơ hội có điều kiện tấn công. Hơn thế nữa rầy nâu còn là môi giới lan truyền bệnh virus vàng lùn, lùn xoắn lá, đến nay các bệnh này vẫn còn rất nguy hiểm vì chưa có thuốc đặc trị.
Để có thể phòng trị các đối tượng đã nêu cũng như các dịch hại nói chung thì trước hết bà con cần áp dụng biện pháp tổng hợp. Ngay từ đầu vụ bà con phải chọn giống tốt với mật độ sạ vừa phải, thời điểm xuống giống tuân theo lịch né rầy, làm đất kỹ để cắt đứt sự lưu tồn của mầm bệnh, bón phân cân đối nhằm đạt sự hài hòa giữa chi phí và lợi nhuận mà còn hạn chế đáng kể sự tấn công của dịch hạị, bên cạnh bà con có thể áp dụng các loại thuốc đặc trị.