Chuyên gia kỳ cựu về cây ăn trái cho rằng, việc siết lại khâu sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất sầu riêng sang Trung Quốc là cơ hội lớn để chuyên nghiệp hóa.
“Lúc trước, chúng ta từng kêu gọi, thậm chí xử lý những vùng trồng không đạt chuẩn, song không có được kết quả như ý. Nay với việc bạn hàng đặt ra yêu cầu gắt gao, mọi thứ sẽ tự nó phải thay đổi theo hướng tốt hơn, thị trường điều tiết nguồn cung”, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, TS Châu cũng cảnh báo về việc “phát triển nóng, phát triển ồ ạt” cây sầu riêng. Ông cho rằng, nhà nước cần kết hợp với các nhà khoa học, nông dân cùng nghiên cứu, đi thực địa, tìm hiểu kỹ để xác định những vùng trồng sầu riêng có thế mạnh.
“Tôi không quá lo ngại về trình độ của nông dân ta, song phải rất lưu ý đến việc trồng bừa phứa, cố đấm ăn xôi. Các vùng trồng được, cơ bản ta đều đã biết. Nếu phát triển ở vùng mới ngoài Nam bộ, Tây Nguyên thì cần có sự tham gia kỹ lưỡng của nhà khoa học và nhà nông”, PGS Châu nói.
Trên thực tế, khu vực phía bắc Quốc lộ 1A thuộc địa bàn các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) vốn được quy hoạch trồng lúa, song nông dân thấy trồng sầu riêng có lợi hơn nên lác đác có hộ trồng sầu riêng.
Theo TS Châu, nếu dùng biện pháp hành chính để xử lý tình trạng trên là rất khó. Ông cho rằng khu vực này vẫn có thể để nông dân trồng sầu riêng tăng thu nhập, song phải đảm bảo quy trình, không làm mất danh tiếng sầu riêng Cai Lậy.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, ông đã khảo sát các vùng trồng sầu riêng tự phát ngoài Đề án phát triển của tỉnh và chia sẻ: “Ở xã Mỹ Tân (huyện Cái Bè), sầu riêng trồng rất tốt. Tuy nhiên ở vùng Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) sầu riêng không tốt lắm.
Riêng vùng Tân Phước, bà con trồng sầu riêng đa số thất bại. Sau 3 năm, sầu riêng khô dần, không tốt lắm. Về chất lượng trái, tôi cũng gặp trường hợp sầu riêng bị khô và lép nhiều, không đảm bảo. Bà con trồng 2 - 3 năm sầu riêng bị vàng lá, tuy không chết hết nhưng cũng thiệt hại nhiều. Chi phí trồng sầu riêng rất cao, trồng đến 2 - 3 năm bị chết như vậy thì rất tiếc”, ông Mẫn cho hay và tâm sự, ông rất trăn trở và sẽ nhanh chóng tổ chức hội nghị sơ kết Đề án phát triển cây sầu riêng của tỉnh để nhận được những chia sẻ từ các nhà khoa học về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng này.
Bên cạnh việc trồng sầu riêng chính vụ và trông đợi vào sầu riêng chín theo vĩ độ từ Tây Nam bộ, Đông Nam bộ đến Tây Nguyên, rải rác từ tháng 4 đến tháng 11, TS Nguyễn Minh Châu nói ông “đặt hoàn toàn niềm tin” vào năng lực, kinh nghiệm của nông dân với sầu riêng trái vụ.
“Thị trường tự nó sẽ điều tiết giá cả. Bây giờ giá sầu riêng trái vụ cao hơn, song không thể nói chắc chắn lúc nào cũng vậy. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nước ta, việc làm sầu riêng trái vụ hoàn toàn ổn. Thực tế nông dân làm cũng nhiều rồi, cái cần quan tâm ở đây là khâu chăm bón phải chuyên nghiệp, không hám lợi mà dùng các biện pháp trái quy định”, TS Châu nêu quan điểm.
Các vùng trồng sầu riêng ở Việt Nam đa phần dùng giống Mongthong và Ri6, trong đó sầu riêng Ri6 (chiếm gần 55% diện tích trồng) đang là thế mạnh riêng của Cai Lậy (Tiền Giang).
“Nếu khống chế được việc xâm nhập mặn, không để cây bị nhiễm mặn, chất lượng cơm sầu riêng Ri6 sẽ ngon hơn. Khi ăn, vị cũng ngọt hơn, không bị “cứng” như vài giống sầu riêng khác nặng về cho năng suất”, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp ở Cai Lậy chia sẻ.
Nhà khoa học như TS Nguyễn Minh Châu và nhà nông như ông Lộc đều tỏ ra kỳ vọng vào cơ hội chuyên nghiệp hóa từ chăm bón, thu hoạch, sơ chế sầu riêng trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Hai ông đều cho rằng, kể cả không cần tuyên truyền quá nhiều về lợi ích của chăm bón cây theo hướng hữu cơ thì hơn ai hết, chính nông dân sẽ thấu hiểu điều đó. Đặc biệt, với sự điều tiết của thị trường, chắc chắn mọi việc sẽ diễn ra theo hướng có lợi cho sự phát triển bền vững của cây sầu riêng.
Tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, việc chuẩn bị kho lạnh, cấp đông bằng khí ni-tơ đã sẵn sàng. Nhiều vỏ bao bì bằng chữ Trung Quốc cũng đã được Công ty chuẩn bị sẵn, đợi ngày xuất hàng sang Trung Quốc.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty cho biết, hiện sầu riêng Việt Nam mới chiếm lĩnh 1/3 thị trường Trung Quốc. “Việc của các doanh nghiệp Việt Nam là đoàn kết lại, chúng ta không nên cạnh tranh với nhau ở 1/3 hiện có, mà cần cùng nhau tiến tới 2/3 thị trường còn lại đang rộng mở”, bà Vy nói. Thương trường chưa bao giờ là chốn dễ, song bà Vy nói Công ty Chánh Thu tự tin “khẳng định vị thế sầu riêng Việt Nam” tại nước bạn.
Chia sẻ kinh nghiệm đi qua nhiều nước ở Đông Nam Á có lợi thế về sầu riêng, PGS.TS Nguyễn Minh Châu nói ông tâm đắc với mô hình du lịch trải nghiệm sầu riêng. Đơn cử tại Malaysia, các nhà vườn tổ chức tham quan, để du khách cùng chăm sóc cây, mắc võng nằm trong vườn, ăn trái cây chín tại chỗ. “Không chỉ giúp tăng thêm thu nhập, đây còn là kênh quảng bá sầu riêng tốt nhất có thể. Người này kể với người kia, rồi lên mạng xã hội đăng ảnh, clip. Vị thế của cây sầu riêng sẽ vươn rất xa, thậm chí tới những thị trường mà ta không tính trước”, TS Châu chia sẻ.
Theo TS Châu, muốn làm được như trên, các địa phương cần xã hội hóa trong khâu thu hút vốn làm đường, cầu. Với đặc trưng đường còn nhỏ, nhiều chỗ mấp mô, xe khó quay đầu như ở các miệt vườn miền Tây Nam bộ hiện nay, việc nâng cấp đường sá là điều rất quan trọng.
Nhà nông Huỳnh Tấn Lộc cùng quan điểm này, bởi việc mở rộng đường còn giảm chi phí trung gian vận chuyển từ xe nhỏ ra container, hoặc từ xuồng nhỏ ra xuồng lớn.
“Không chỉ du lịch trải nghiệm sầu riêng, việc mở rộng đường còn giúp du khách đến với không gian miệt vườn của miền Tây sông nước. HTX chúng tôi sẵn sàng vào cuộc cùng nhà nước”, ông Lộc nói.
Hiện nay, chuyên nghiệp hoá trong sản xuất cây sầu riêng là vấn đề được các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT, tỉnh Tiền Giang và bà con nông dân hết sức quan tâm. Thu nhập cao từ cây sầu riêng đã thôi thúc nhiều nông dân mạnh dạn, thậm chí mạo hiểm đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả, bền vững, bà con nông dân cần lưu ý các giải pháp kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang nhiều lần chia sẻ vấn đề tổ chức lại sản xuất sầu riêng trong hội nghị sơ kết Đề án phát triển cây sầu riêng của tỉnh: "Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nhiều lần chia sẻ, khẳng định chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Bà con nông dân phải liên kết với nhau hình thành nền các HTX. Tiền Giang hiện có 15 HTX chuyên sản xuất và tiêu thụ sầu riêng với 15.277 thành viên, trong đó huyện Cai Lậy 10 HTX, huyện Cái Bè 1 HTX.
Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác luôn được quan tâm, củng cố. Đồng thời, địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ như chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, HTX chưa phát triển mạnh và thể hiện vai trò nồng cốt".
Ông Mẫn cho rằng: “Việc nâng cao cao chất lượng cây - con phải từ nông dân. Muốn vậy, bà con phải vào HTX. Chúng ta đã có quy trình từ nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở KH-CN chuyển giao. Do đó, cần tổ chức tập huấn cho bà con để nâng cao độ đồng đều từ hình thức đến chất lượng, độ an toàn của sản phẩm”.
Háo hức chờ sầu riêng Việt Nam
Ba doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng ở Trung Quốc độc lập với nhau, khi trả lời phỏng vấn của Báo Nông nghiệp Việt Nam đều háo hức trước việc sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.
“Nếu như vài năm trước, đa phần người ăn sầu riêng Việt Nam là dân Quảng Tây, Quảng Đông thì nay thị trường phía Bắc cũng biết tới loại quả đặc trưng này. Với việc doanh nghiệp Việt Nam hút chân không, lột vỏ lấy cơm sầu riêng tại vườn như Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, chúng tôi tự tin vận chuyển tới nhiều nơi, ngoài thị trường truyền thống ở miền Nam của Trung Quốc”, một doanh nghiệp Trung Quốc cho biết.
Ông Lưu Nam Tài, đại diện một doanh nghiệp phân phối hoa quả ở Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, lâu nay Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Malaysia đều dưới dạng cơm sầu riêng trong túi chân không. Với thị trường Việt Nam, ông Tài nói nếu khâu cấp đông được đảm bảo, việc phân phối ở Trung Quốc là "không vấn đề”.
“Tôi làm ngành này hơn chục năm, chưa gặp khách hàng Trung Quốc nào phàn nàn về mùi của trái sầu riêng. Cách đây ít lâu, có doanh nghiệp Việt Nam từng hỏi tôi về việc này, tôi thấy khá ngạc nhiên. Bản thân tôi từng tới Việt Nam, cảm thấy ăn sầu riêng rất ngon”, ông Lưu nói.
Việt Võ - Minh Đảm
Nguồn: https://nongnghiep.vn/chuyen-nghiep-hoa-san-xuat-de-sau-rieng-xuat-chinh-ngach-di-trung-quoc-d327547.html