Cây bưởi, đặc biệt là bưởi da xanh là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng nếu nhà vườn không nắm rõ kỹ thuật canh tác, chỉ tập trung chăm sóc với mục tiêu bưởi ra trái to mẫu mã đẹp, mà bỏ qua yếu tố chất lượng sẽ gây sượng múi làm giảm giá trị thương phẩm trái.
Chăm sóc cây bưởi để đạt cả tiêu chí về mẫu mã và chất lượng luôn là mục tiêu nhà vườn hướng đến và mỗi nhà vườn sẽ có kinh nghiệm riêng phụ thuộc vào giống, chất đất, khí hậu nơi canh tác.
Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng bưởi, bí quyết của lão nông Phạm Anh Ta, ngụ thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chính là việc đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là phân hữu cơ và phân bón NPK có bổ sung trung, vi lượng. Điều này là rất quan trọng và không được tiết kiệm.
Theo các nhà khoa học, quá trình canh tác cây bưởi, nếu nhà vườn chỉ tập trung bón phân đơn, bón quá nhiều đạm mà thiếu canxi, kali, tỷ lệ N-P-K không cân đối, thiếu trung, vi lượng, tỷ lệ Sun-phát kali quá thấp làm thừa Clo sẽ dễ gây ra hiện tượng sượng múi. Ngoài ra, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cây kiệt sức. Nếu không có biện pháp kỹ thuật chăm sóc đúng thì cây phải mất thời gian phục hồi và khó tiếp tục cho năng suất ở các vụ sau.
Lạm dụng bón thừa phân đạm thì cây bưởi khi ra hoa, kết trái có biểu hiện rất tốt, nhưng chất lượng quả lại không đảm bảo, biểu hiện thường thấy là múi bị sượng và nhạt, thời gian bảo quản ngắn, nhanh thối, cây dễ phát sinh nhiều sâu bệnh.
Trong canh tác bưởi, có thể nói, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò trọng yếu. Để đảm bảo chất lượng quả và khắc phục hiện tượng sượng múi bưởi thì việc bón phân cân đối, hợp lí chính là yếu tố quyết định.
Theo các nhà khoa học, ở những vùng khác nhau, chế độ bón phân cho cây bưởi cũng sẽ khác nhau. Cụ thể, khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên với đặc tính đất thường không giữ được nước, nhiều vùng đất ở dạng đất xám bạc màu như tỉnh Tây Ninh thì cách bón là cần chia nhỏ lượng phân bón cho mỗi lần bón, để cây trồng được sử dụng tối đa, đồng thời tránh thất thoát. Riêng ĐBSCL thì ngược lại, có thể bón 1 lần vì đặc tính đất có thể giữ được nước và phân.
Để cây bưởi cho năng suất, chất lượng cao, chế độ dinh dưỡng các nhà khoa học khuyến cáo nhà vườn cần bổ sung:
- Giai đoạn sau thu hoạch, sau khi cắt cành, tạo tán, cần bón lót phân hữu cơ, và các chế phẩm vi sinh, và phân bón NPK với thành phần đạm, lân cao để thúc cây ra rễ và phục hồi cành lá. Có thể sử dụng các công thức NPK chuyên dùng như NPK 20-15-5+TE hoặc NPK 20-20-15+TE. Với lượng bón từ 0,5- 1kg.
- Sau đó, bón để thúc cây ra hoa có thể sử dụng những sản phẩm có tỷ lệ dinh dưỡng 1:1:1 lượng bón tùy theo tuổi cây.
- Giai đoạn nuôi trái đến thu hoạch thường kéo dài 8 tháng hơn nên cần chia nhỏ từng thời kì để dễ chăm sóc.
- Giai đoạn trái nhỏ bón tỷ lệ lân và đạm cao để thúc trái lớn nhanh lên.
- Giai đoạn trái đã lớn bón NPK có tỉ lệ kali cao và có bổ sung trung vi lượng sẽ tăng độ ngọt, mẫu mã đẹp, bón từ 3-4 lần.
Với cây bưởi da xanh ở ĐBSCL cũng như ở khu vực miền Đông Nam Bộ, việc nhà vườn có tập quán canh tác để cây cho ra trái liên tục cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng trái nếu chế độ bón phân không hợp lí.
Những trường hợp này, các nhà khoa học khuyến cáo, các công thức với thành phần tỉ lệ 1:1:1 sẽ rất phù hợp. Bà con có thể sử dụng các dòng NPK được bổ sung các chất trung, vi lượng như canxi, magie, kẽm phù hợp với các giai đoạn trái, góp phần khắc phục hiện tượng khô đầu múi, sượng múi ở cây bưởi và cho mẫu mã trái đẹp hơn.
(HỒNG HUỆ - Trích dẫn Báo Nông Nghiệp Việt Nam)