Vào “thủ phủ” thanh long học nghề
Thanh long ruột đỏ là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, được trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, trồng thanh long ruột đỏ bằng phương pháp leo giàn thì không phải ở địa phương nào cũng thực hiện. Trang trại của gia đình bà Thúy là một trong số ít những hộ trồng thanh long ruột đỏ theo phương pháp leo giàn tại Uông Bí.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ leo giàn ở Uông Bí đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.M
Bà Lại Thị Thúy cho biết, trang trại của bà phù hợp phát triển trồng cây ăn quả nên gia đình đã trồng cam, vải, nhãn... Tuy nhiên, sản lượng những loại cây này khá bấp bênh. Gia đình bà Thúy đã chuyển sang trồng thử nghiệm 500 cây thanh long giống Đài Loan.
Dù bỏ ra số vốn đầu tư không nhỏ nhưng do thiếu kinh nghiệm nên việc trồng thanh long bước đầu của bà không thành công, phải phá bỏ trong đợt trồng đầu tiên. Quyết tâm lựa chọn loại cây chịu hạn này để phát triển kinh tế , bà Thúy đã vào tận “thủ phủ” trồng thanh long Bình Thuận để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật.
Ban đầu, gia đình bà cũng áp dụng trồng thanh long ruột đỏ theo phương pháp truyền thống đối với 3.000 cây giống trên diện tích 4ha. Sau khi trồng được một năm, thanh long ruột đỏ đã có thể ra quả, mỗi lứa quả mất thời gian 45 ngày. Hơn một năm nay, nhận thấy phương pháp trồng thanh long bằng giàn đem lại hiệu quả và năng suất cao hơn, gia đình bà Thúy mạnh dạn chuyển đổi 1ha trồng thanh long trồng trụ sang trồng giàn.
Giúp thanh long leo giàn
Bà Thúy tâm sự: “Lúc đầu gia đình tôi cũng chỉ trồng thanh long ruột đỏ theo kiểu truyền thống nhưng sau khi tham khảo phương pháp trồng leo giàn, tôi quyết định đầu tư áp dụng theo phương pháp mới và lắp đặt hệ thống phun tưới tự động nhỏ giọt bằng đường ống. Chi phí đầu tư giàn sắt cùng hệ thống tưới hơn 1 tỷ đồng, không kể tiền giống”.
Tuy đầu tư ban đầu khá lớn nhưng năng suất, tác dụng của việc trồng thanh long leo giàn mang lại hiệu quả hơn hẳn so với trồng thanh long bằng trụ truyền thống.
Bà Thúy cho biết thêm, bà rất hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho thanh long. Cỏ cũng được công nhân nhổ hoàn toàn bằng tay, nhằm tạo ra những quả thanh long ruột đỏ sạch, chất lượng. Cũng theo bà Thúy, sản lượng thanh long ruột đỏ của gia đình bà trước đây khoảng 120 tấn/năm. Với phương pháp trồng thanh long leo giàn, sản lượng thanh long ở trang trại nhà bà sẽ tăng từ 2-3 lần. Với mức giá bán thanh long ruột đỏ luôn ổn định khoảng 25 -35.000 đồng/kg, việc thu lãi ngay trong 1 năm là có thể.
Từ mô hình trồng thanh long leo giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa qua, gia đình bà Thúy tiếp tục mở rộng thêm 1ha trồng thanh long ruột đỏ leo giàn và cải tiến kỹ thuật phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi phí. Bà Thúy cho biết, sắp tới, khi có điều kiện, gia đình bà dự định sẽ phá hết trụ và chuyển sang trồng hoàn toàn thanh long ruột đỏ leo giàn.
Ngoài ra, gia đình bà cũng chuẩn bị xây dựng kho lạnh để bảo quản sản phẩm, hướng đến xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc.
Bùi My