Sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ trên vùng đất đỏ bazan Bình Phước vẫn khẳng định được lợi ích kinh tế vượt trội, bất chấp dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua…
Nhắc đến sầu riêng có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đó là sản vật của vùng miền Tây sông nước. Thế nhưng hiện nay sầu riêng đã rất bén duyên với miền Đông đất đỏ. Hòa giữa màu xanh của những rừng cao su, điều, tiêu bạt ngàn là những miệt vườn sầu riêng xanh ngát đang đem lại thu nhập không nhỏ cho nông dân nơi đây.
Theo chân các cán bộ hội nông dân, chúng tôi thật sự mãn nhãn với vườn sầu riêng “khủng” rộng 30 ha của gia đình ông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long. Dẫn chúng tôi đi xem vườn, ông Đảo không khỏi vui mừng giới thiệu cho chúng tôi quy trình canh tác để tạo ra những quả sầu riêng thơm ngon, mang đậm hương vị địa phương.
“Thiên nhiên khá ưu đãi với Bình Phước bởi nơi đây có vùng đất đỏ bazan vô cùng màu mỡ, đặc biệt loại đất này hàm chứa một lượng lưu huỳnh cao làm cho thịt sầu riêng rất khác biệt không nơi nào có được. Theo đó, sầu riêng Bình Phước cơm ráo hơn, ngọt dịu không gắt, màu sắc vàng nhẹ bắt mắt, vị ngọt bùi ăn mãi không chán….”, ông Đảo chia sẻ.
Cầm trên tay quả sầu riêng căng tròn, tỏa hương thơm lừng, ông Đảo cho biết thêm, trồng sầu riêng mê lắm mà cũng cực lắm, ngày nào cũng có việc làm. Chăm sóc cây sầu riêng như chăm con nhỏ vậy. Phải theo dõi “sức khỏe” của nó mỗi ngày. Chỉ cần thấy cây chớm có dấu hiệu “không khỏe” là xử lý ngay, nếu không thì thua. Trồng cây sầu riêng, từ lúc đặt gốc cho tới lúc cây ra hoa, thu trái… đều đòi hỏi kỹ thuật cao mà nhà nông phải tự mình mày mò, học hỏi để áp dụng trên vườn nhà một cách hợp lý, kinh tế nhất.
Hiện toàn bộ diện tích vườn của gia đình ông Đảo đều được lắp đặt hệ thống tưới tự động, đánh dấu mã số cây, dùng ký hiệu để theo dõi trái cho đến khi thu hoạch, quản lý sâu bệnh cũng như quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học cho nên hạn chế được sâu bệnh hơn, thân cây khỏe, năng suất duy trì ổn định. Theo tính toán của ông Đảo, mỗi ha sầu riêng từ năm thứ 8 trở đi sẽ cho năng suất dao động từ 15-20 tấn nếu được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Với mức giá bình quân 35.000 - 50.000 đồng/kg như hiện nay cho thu nhập cả tỷ đồng/ha.
“Lâu nay, nhiều người cho rằng sử dụng các loại thuốc hóa học, chất kích thích cây mang lại lợi nhuận cao hơn. Nhưng thực tế, làm nông nghiệp hữu cơ mới thật sự tốt về lâu dài vì đất được nuôi dưỡng, không bị hóa chất làm bạc màu, cây có tuổi thọ lâu hơn. Và cây sầu riêng càng lâu năm càng cho trái ngon ngọt và có giá trị kinh tế cao”, ông Đảo tự tin khẳng định.
Ông Đảo cho biết thêm, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ nông sản của cả nước gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, ông đã không ngần ngại đầu tư xây dựng hệ thống máy cấp đông cho đến sơ chế, chế biến sâu sản phẩm. Nhờ cách làm này, thương hiệu sầu riêng của gia đình được thị trường trong Nam, ngoài Bắc đón nhận. Đầu ra cho sản phẩm sầu riêng của trang trại ông không còn phải lo mỗi khi thị trường biến động.
Chuyện liên kết trồng sầu riêng của Minh Tâm
Không chỉ vườn sầu riêng của ông Ba Đảo, nhận thấy lợi ích, cơ hội phát triển kinh tế bền vững từ việc canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, hầu hết các nhà vườn trồng sầu riêng tại Bình Phước đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, đồng thời bắt tay nhau liên kết sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến là tổ hợp tác trồng sầu riêng sạch Minh Tâm (huyện Hớn Quản), đây là một trong những đơn vị có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, vật tư đầu vào, phân bón, thuốc BVTV sinh học cho đến khoa học kỹ thuật đều do Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ từ A đến Z, đầu ra sản phẩm do công ty Chánh Thu bao tiêu toàn bộ, người nông dân chỉ cần tập trung canh tác, thu nhập cao hơn rất nhiều so với truyền thống.
Chúng tôi đến thăm tổ hợp tác Minh Tâm ngay thời điểm cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời đang tiếp tục chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ông Nguyễn Đức Hạnh tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, trước đây hầu hết người dân tại địa phương canh tác cây hồ tiêu, đến năm 2011, khi giá cả hồ tiêu đi xuống cùng với đó là dịch bệnh trên cây phát triển mạnh, bà con bắt đầu chuyển hướng sang canh tác cây sầu riêng. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật nên sâu bệnh nhiều, cây chậm phát triển, năng suất không cao, sản phẩm lại bị thương lái ép giá.
Nhận thấy xu hướng canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ không chỉ giảm chi phí đầu tư, sản phẩm tốt, công ty bao tiêu đầu ra, nên từ năm 2016, tổ liên kết bắt tay cùng Tập đoàn Lộc Trời xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng cho công ty Chánh Thu xuất khẩu. Qua hợp tác, hầu hết thành viên đều nắm vững khoa học kỹ thuật, đặc biệt, sản phẩm làm ra đến đâu đều được công ty đến tận vườn thu mua hết đến đó với giá luôn cao hơn thị trường khoảng 30%.
Theo ông Hạnh, năm 2021-2022 vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt hàng nông sản trong nước. Thế nhưng, nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, tất cả sản lượng vụ mùa vừa qua đều được doanh nghiệp thu mua. Trung bình sầu riêng năm ngoái có giá giao động từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg nhưng tổ hợp tác vẫn bán được với giá bình quân 45.000/kg. Trong đó, 70% sầu riêng loại 1 được bán với giá 48.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Đoàn, cán bộ phụ trách kỹ thuật cây ăn quả khu vực Đông Nam bộ - Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tập đoàn đang hợp tác với công ty Chánh Thu để tiếp tục triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, tập đoàn thực hiện chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất trên cây sầu riêng tại Hớn Quản. Sau dự án này, tập đoàn sẽ triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất tại tất cả các huyện thị của Bình Phước và rộng ra cả khu vực Đông Nam bộ, không chỉ trên cây sầu riêng mà còn các loại sản phẩm chủ lực khác như các loại cây có múi, cây rau...
“Trong xu thế hội nhập toàn cầu, thương hiệu được xem là giấy thông hành cho mỗi sản phẩm khi bước ra thị trường thế giới. Do vậy, bên cạnh sản xuất sạch, việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái nói chung và sầu riêng của Bình Phước nói riêng là điều cấp thiết. Bởi xây dựng thương hiệu, không chỉ để bán sản phẩm mà giá trị lớn hơn chính là để quảng bá hình ảnh cho tỉnh. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hòi sự bắt tay chặt chẽ giữa 4 nhà “nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông”. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Phước, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, người nông dân từng bước làm chủ khoa học công nghệ, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình”, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước khẳng định.