Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An gieo sạ lúa Hè Thu (HT) 2022 được 157.554/214.000ha, đạt 73,6% kế hoạch, bằng 121,9% so cùng kỳ năm 2021. Hiện số diện tích gieo sạ sớm đã cho thu hoạch, do chi phí đầu tư tăng cao, nông dân có lợi nhuận thấp. Để sản xuất vụ HT đạt hiệu quả, ngành chức năng khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh gây hại lúa.
Nông dân có lợi nhuận không cao
Theo số liệu của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến thời điểm này, nông dân thu hoạch lúa vụ HT 2022 sớm gần 31.000ha, tập trung nhiều ở huyện Tân Thạnh, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường, năng suất ước đạt 52,9 tạ/ha, sản lượng 163.526 tấn, giá lúa dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/kg, tùy từng loại giống. Do giá cả vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu,...) tăng cao nên số diện tích đã cho thu hoạch đạt lợi nhuận thấp.
Đến thời điểm này, nông dân thu hoạch được gần 31.000ha lúa Hè Thu 2022
Nông dân huyện Tân Hưng gieo sạ cơ bản dứt điểm lúa vụ HT 2022. Các giống chủ yếu được chọn sử dụng trong vụ này là ST24, OM 4900, IR50404, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, Jasmine 85,... Số diện tích gieo sạ sớm đến nay đã cho thu hoạch hơn 5.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Vĩnh Châu A, Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, với năng suất từ 6 - 7 tấn/ha (lúa tươi), giá lúa dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận từ 7-10 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Tạo (xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng) cho biết, trong vụ sản xuất này, nông dân gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng, năng suất lúa giảm dù đã chủ động phòng trừ sâu, bệnh gây hại. Hơn 3ha lúa của gia đình thu hoạch cho năng suất gần 6 tấn/ha, giá bán đối với giống OM 4218 là 5.600 đồng/kg. Với giá lúa này, mỗi hécta lúa của gia đình ông cho lợi nhuận hơn 7 triệu đồng. Theo nhiều nông dân, vụ này, đối với các giống lúa năng suất đạt trung bình so với mọi năm, giá lúa không cao so với năm trước, trong khi đó, chi phí đầu tư tăng cao nên nhiều hộ dân sản xuất có lợi nhuận thấp.
Anh Nguyễn Văn Thanh (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) thu hoạch hơn 3ha nếp với năng suất gần 6 tấn/ha, giá bán 5.600 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, có lợi nhuận hơn 25 triệu đồng. Còn anh Nguyễn Văn Phúc (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) cũng vừa thu hoạch hơn 2ha lúa OM18, năng suất đạt 5,8 tấn/ha, với giá bán 5.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, có lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/ha. Hiện còn 2ha anh đang tích cực chăm sóc để thu hoạch trong vài ngày tới.
Nông dân chuẩn bị xuống giống lúa Hè Thu 2022
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng, vụ lúa HT 2022, toàn huyện xuống giống hơn 37.000ha. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được hơn 5.000ha, năng suất trung bình 6 - 7 tấn/ha (lúa tươi), giá bán đối với giống IR 50404 từ 5.500 - 5.600 đồng/kg; các giống OM 4900, OM 5451, OM 6976, Nàng Hoa 9, Đài thơm 8 dao động từ 5.600 - 6.000 đồng/kg. Số diện tích còn lại trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ, nông dân tích cực chăm sóc.
Sâu, bệnh gây hại ít
Theo ngành chuyên môn, tình hình sâu, bệnh có xuất hiện trên lúa HT 2022 (bệnh đạo ôn, bọ trĩ, rầy nâu, ngộ độc phèn,...) nhưng với mật độ, tỷ lệ nhẹ nên không gây ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Theo thống kê, hiện có 1.740ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, bệnh xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường; 1.685ha nhiễm ốc bươu vàng, mật độ từ 1 - 3 con/m2, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn mạ ở các huyện: Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Hưng, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, các đối tượng sâu đục thân, chuột gây hại trên trà lúa mạ, đẻ nhánh ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.
Sâu, bệnh gây thiệt hại không đáng kể, nông dân tích cực chăm sóc lúa
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo, vụ lúa HT 2022, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống 28.699/28.300ha, lúa đang phát triển tốt (chủ yếu giai đoạn đẻ nhánh); tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết, một số diện tích bị sâu, bệnh gây hại. Hiện có gần 200ha lúa bị sâu, bệnh gây hại, trong đó, 100ha lúa bị sâu đục thân, 30ha bệnh sâu cuốn lá, 20ha bị đạo ôn lá. Anh Lê Văn Hồng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Hiện 5ha lúa của gia đình bị sâu cuốn lá gây hại nhưng mật độ không đáng kể. Tôi chủ động phun xịt thuốc phòng trị để có vụ mùa thắng lợi”.
Còn tại thị xã Kiến Tường, đến thời điểm này đã hoàn thành gieo sạ 14.466ha lúa HT 2022, trong đó, giai đoạn mạ hơn 5.600ha, đẻ nhánh gần 7.000ha, đòng trổ và chín gần 2.000ha. Dịch bệnh gây hại chủ yếu là đạo ôn lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân với gần 1.000ha, trong đó, đạo ôn lá gần 500ha, sâu cuốn lá 300ha, sâu đục thân gần 200ha; các loại sâu, bệnh khác gây hại không đáng kể.
Để có một vụ mùa bội thu
Theo dự báo của ngành chuyên môn, thời gian tới, rầy nâu xuất hiện rải rác, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu đục thân,... phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên giai đoạn lúa mạ và đẻ nhánh. “Để vụ HT thắng lợi trên cả 3 mặt: Diện tích, năng suất, sản lượng, huyện chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến sâu, bệnh để hướng dẫn, tuyên truyền nông dân phòng trừ hiệu quả các loại sâu, bệnh gây hại. Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, có giải pháp nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất và gia cố các hệ thống đê bao lửng ở các xã vùng thấp của huyện để tránh lũ chụp vào cuối vụ” - ông Võ Văn Bảo cho biết.
Nông dân tập trung chăm sóc lúa Hè Thu 2022
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, để bảo đảm sản xuất vụ HT 2022 đạt thắng lợi, các cơ quan chuyên môn phối hợp ban, ngành tỉnh tham mưu thực hiện các giải pháp sản xuất nông nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; xuống giống đợt 2 lúa HT 2022 từ ngày 18 đến 28/5 cho tất cả huyện, thị trên địa bàn tỉnh và từ ngày 15 đến 25/6 tại các vùng không chủ động nguồn nước, các huyện phía Nam.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thực hiện Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; liên kết sản xuất theo chuỗi giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh gây hại trên đồng ruộng như rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, sâu cuốn lá,... từ đó hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý, phòng trừ hiệu quả và an toàn. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao; công tác chuẩn bị ứng phó mưa, lũ bất thường.
Trên cơ sở khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân cần chủ động hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ đồng ruộng của mình bằng việc thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu, bệnh gây hại để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả./.
Văn Đát
Nguồn: https://baolongan.vn/tap-trung-san-xuat-lua-he-thu-2022-a135573.html