KIÊN GIANG: PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU LÚA CHẤT LƯỢNG CAO LÊN TỚI 300.000HA

Kiên Giang ký hợp tác với một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến gạo xuất khẩu ở miền Tây, định hướng phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao lên tới 300.000ha.

Theo báo cáo cung cấp thông tin tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, tổng diện tích gieo trồng lúa vụ mùa và đông xuân trên địa bàn tỉnh hơn 351.000ha, tổng sản lượng trên 2.450.000 tấn. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 94%. Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được 310 cánh đồng lớn, với diện tích 61.074ha, sản lượng ước đạt 458.055 tấn.

Tỉnh Kiên Giang đã xây dựng được 310 cánh đồng lớn. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Kiên Giang đã xây dựng được 310 cánh đồng lớn. Ảnh: Kim Anh.

Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của tỉnh Kiên Giang được định hướng triển khai từ nay tới ngày 31/12/2024, sau đó ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiến hành rà soát và đánh giá lại hiệu quả, trước khi triển khai giai đoạn tiếp theo.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho hay, định hướng phát triển này sẽ tập trung vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao, phân thành 3 nhóm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 94% tổng diện tích lúa ở tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kim Anh.

Diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 94% tổng diện tích lúa ở tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kim Anh.

Theo đó, nhóm 1 là nhóm lúa đại trà đạt tiêu chuẩn. Nhóm 2 là giống lúa đạt tiêu chuẩn SRP để xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, đây cũng là nhóm được ông Toàn đánh giá là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thị trường lúa gạo tại tỉnh Kiên Giang. Nhóm 3 là các giống lúa hướng tới sản xuất đạt chuẩn hữu cơ. “Định hướng từng nhóm thị trường và mục tiêu cụ thể để từ đó ngành nông nghiệp sẽ mở rộng diện tích”, ông Toàn cho biết thêm.

Đối tượng được tỉnh Kiên Giang lựa chọn tham gia vào dự án này là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò nòng cốt. Ông Toàn thông tin, ngành nông nghiệp có kế hoạch dự kiến thành lập 3 liên hiệp HTX để đầu tư ở các vùng U Minh Thượng, Tây sông Hậu (như huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao) và vùng Tứ giác Long Xuyên (ở các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành).

Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao dự kiến có thể lên tới 300.000ha.

Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao dự kiến có thể lên tới 300.000ha.

 
 

Vùng nguyên liệu này sẽ được cấp mã số vùng trồng, ứng dụng các mô hình sản xuất hiệu quả cao như: canh tác không dùng tiền mặt, mặt ruộng không dấu chân – cơ giới hóa đồng bộ, rải vụ trong vụ – để tạo ra sản phẩm lúa gạo đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, quy trình canh tác đối với vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao này, đảm bảo theo tiêu chuẩn SRP, sử dụng các giống lúa phù hợp, kết hợp giữa 3 yếu tố sinh học – hữu cơ – hóa học và các dịch vụ cơ giới tiên tiến nhằm tạo ra lúa thương phẩm đạt chuẩn của từng thị trường mục tiêu.

3 liên hiệp HTX dự kiến được thành lập tại Kiên Giang phục vụ cho kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

3 liên hiệp HTX dự kiến được thành lập tại Kiên Giang phục vụ cho kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 4 mã số vùng trồng đang hoạt động, nhưng chủ yếu trên mặt hàng trái cây. Từ đầu tháng 6 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiếp nhận 30 bộ hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng trên cây lúa, khoai môn, chuối, sầu riêng… Hiện tại Chi cục Trồng trọt và BVTV đang tổ chức kiểm tra, định vị GPS, viết báo cáo đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho các hồ sơ này.

Toàn bộ số lúa thu hoạch trong vùng nguyên liệu này sẽ được doanh nghiệp hợp tác cùng các đối tác liên kết hỗ trợ thu mua phục vụ xuất khẩu.

Ngày 4/7 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã thống nhất việc chuyển nhượng quyền sử dụng hai giống lúa OM18 và OM5451 cho Trung tâm Giống Nông Lâm Ngư nghiệp Kiên Giang để đơn vị này có thể sản xuất và kinh doanh giống lúa này trên phạm vi tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng thực hiện hỗ trợ đào tạo, tập huấn các quy trình sản xuất, lưu kho, bảo quản các giống lúa theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo hạt giống đạt tỷ lệ nảy mầm.

Tập đoàn Lộc Trời thống nhất chuyển nhượng quyền sử dụng hai giống lúa OM18 và OM5451 cho Trung tâm Giống Nông Lâm Ngư nghiệp Kiên Giang. Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời.

Tập đoàn Lộc Trời thống nhất chuyển nhượng quyền sử dụng hai giống lúa OM18 và OM5451 cho Trung tâm Giống Nông Lâm Ngư nghiệp Kiên Giang. Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời.

Hai giống lúa này là kết quả nghiên cứu, lai tạo của các nhà khoa học thuộc Viện Lúa ĐBSCL. Viện lúa đã thực hiện chuyển nhượng cũng như chuyển giao công nghệ, quyền khai thác cho Tập đoàn Lộc Trời.

Kim Anh - Trọng Linh

Nguồn: https://nongnghiep.vn/kien-giang-phat-trien-vung-nguyen-lieu-lua-chat-luong-cao-len-toi-300000ha-d328367.html


Tin tức khác

Giá cà phê trên đỉnh cao lịch sử, nông dân thu tiền tỷ, tậu ô tô

Giá cà phê trên đỉnh cao lịch sử, nông dân thu tiền tỷ, tậu ô tô

18/04/2024 Giá cà phê vẫn tăng không ngừng nghỉ, lên đỉnh cao lịch sử khi cả thế giới phụ thuộc vào nguồn cung từ Việt Nam. Nhờ đó, nông dân trúng đậm, có hộ thu tiền tỷ, tậu ngay ô tô mới.
Tọa đàm triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp

Tọa đàm triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp

Chiều ngày 30/01/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức buổi Tọa đàm "Đối tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì buổi Tọa đàm.
VIỆT NAM VÀ ÚC ĐẨY MẠNH HỢP TÁC THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

VIỆT NAM VÀ ÚC ĐẨY MẠNH HỢP TÁC THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

Từ 18-21/1, tại Hà Nội, đã diễn ra chuỗi các hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường thương mại và đầu tư nông nghiệp hữu cơ giữa Úc và Việt Nam”
Bỏ tư duy chú trọng sản lượng hơn chất lượng

Bỏ tư duy chú trọng sản lượng hơn chất lượng

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, bản quy hoạch tích hợp ĐBSCL có thể tạo ra giá trị cao, đáp ứng kỳ vọng của cả vùng nông nghiệp này.